Sáng 12.9, tại Trụ sở 35 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm 'Phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh chính sách mới'.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền và các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
“Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế. Trong đó phải kể đến việc nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra. Giá nhà ở xã hội cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng. Tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia”, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh
Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, tháng 5 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị 34 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị.
Trước đó, tại Kỳ họp tháng 10.2023, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá, đồng bộ để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030. Tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100 sẽ giúp khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chủ thể liên quan, gồm cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người thụ hưởng. Điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa các chính sách, quy định mới này vào cuộc sống.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh
Đặc biệt, tại Kỳ họp vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024. Trong đó, với nhà ở xã hội, mục đích giám sát là đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Không chỉ xác định các kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, cuộc giám sát còn nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực thi Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100 về nhà ở xã hội; đồng thời tiếp tục đóng góp hữu ích vào quá trình hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội, hôm nay, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh chính sách mới”.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Nhấn mạnh, từ chính sách đến thực thi luôn có khoảng cách, và quy định tốt mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là các quy định đó phải được triển khai kịp thời mới mang lại hiệu quả mong đợi, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền mong muốn các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp thảo luận sâu về việc làm thế nào để các chính sách mới về nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, triển khai dự án nhanh hơn để có thêm nguồn cung và người thụ hưởng cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội, hoàn thiện thủ tục giấy tờ. Cùng với đó là “việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp Ban Bí thư nêu trong Chỉ thị 34 nhằm hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp”, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nói.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân. Ảnh: Quang Khánh
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Tại tọa đàm, các đại biểu đã làm rõ những điểm mới, phân tích tác động các quy định mới về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, các đại biểu tiếp tục phản ánh về những vướng mắc chưa được tháo gỡ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà ở xã hội và tiếp cận nhà ở xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển nhà ở xã hội.
Song Hà