Buổi tọa đàm có sự tham gia của khách mời là chuyên gia về kinh tế, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và lãnh đạo các doanh nghiệp gồm:
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA).
Ông Nguyễn Đình Luận - Trưởng phòng Quy hoạch khu vực 1 - Sở QH-KT TP.HCM.
TS. Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Hoàng Quân.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.
Toàn cảnh tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản phía Tây - Nam Tp.HCM”
Khu vực Tây - Nam còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định: Đến thời điểm này thị trường bất động sản khu vực phía Tây - Nam gần như chưa có 1 dự án bất động sản cao cấp nào. Về tổng quan, con đường phát triển ở khu Tây đang đi theo khu Nam và khu Đông: đó là hạ tầng đang đi trước 1 bước. Bên cạnh đó khu Tây đang có sự tăng cường dịch vụ phục vụ cho người dân.
Cụ thể, hệ thống hạ tầng đã tương đối phát triển như các tuyến đường lớn Đại lộ Đông Tây, đường Nguyễn Văn Linh, tuyến Metro số 3A, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50 mở rộng, cầu Nhị Thiên đường mới, cộng với các khu đô thị mới đang hình thành…
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - đánh giá tiềm năng của khu Tây - Nam
Theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam - trong năm 2015, nguồn cung căn hộ ở phía Tây chỉ chiếm 18% tổng nguồn cung trên toàn thị trường, thế nhưng năm 2016 con số này đã tăng lên 25% tương đương 8.800 căn.
Đặc biệt trong quý I/2017, lần đầu tiên khu Tây đã vượt lên dẫn đầu về số lượng căn hộ chào bán với 1.821 căn, chiếm 36% dự án ở phía Tây được chào bán.
Ông Nguyễn Đình Luận - Trưởng phòng Quy hoạch khu vực 1 - Sở QH-KT TP.HCM.
“Khu Tây đang trở thành khu vực hấp dẫn không phải với nhà đầu tư mà với cả những người mua để ở. Tỷ lệ giao dịch rất tốt ở khu vực này, hầu hết các dự án được bán ra với tỷ lệ giao dịch thành công lên tới 80-90%. Tại một số dự án trước đây có tỷ lệ bán không tốt thì hiện nay sau khi ‘đổi chủ’ được thay đổi thiết kế và phương thức thanh toán thì tỷ lệ bán đạt đến hơn 90%”, bà Dung cho biết.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam.
Nhà ở giá rẻ là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - hiện tại xu thế chung của TP.HCM là sự nở rộ của các dự án nhà ở giá rẻ, phù hợp túi tiền dành cho người có thu nhập thấp. Và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư khi bước chân vào thị trường phía Tây - Nam.
“Về khu Tây, các nhà đầu tư cũng ý thức được điều đó và tập trung phát triển các sản phẩm vừa túi tiền, loại từ 1,2 phòng ngủ. Chúng tôi kiến nghị với Sở Quy hoạch kiến trúc nên có những hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển dự án ở phân khúc này”, ông Châu cho biết thêm.
TS. Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Hoàng Quân - đơn vị tiên phong trong phát triển nhà ở xã hội cũng chung nhận định rằng, trong tương lai, những loại dự án như nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ là phân khúc chủ lực ở khu Tây.
TS. Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch VNREA - Chủ tịch HĐQT – TGĐ Tập đoàn Hoàng Quân
Đánh giá về mức sinh lợi ở khu Tây, bà Dương Thùy Dung cho biết giá bán căn hộ khu này khoảng 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ/căn, với mức giá này tỷ suất lợi nhuận đầu tư cho thuê khoảng 4-5%. Mức này thấp hơn khu Đông hay khu Nam nhưng bù lại, chi phí đầu tư lại rẻ hơn đáng kể, do đó, khu Tây vẫn là một hướng đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Phòng tránh rủi ro như thế nào?
Đánh giá về tiềm năng đầu tư tại khu vực Tây- Nam, TS. Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Hoàng Quân - cho rằng mặc dù được quy hoạch khá tốt nhưng khu vực này vẫn cần phải cải thiện nhiều hơn nữa để tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Theo ông Tuấn, kết nối hạ tầng khu vực này không thua kém khu Đông, khu Nam nhưng khó khăn nhất nằm ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện quỹ đất hầu hết nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nếu thành phố không có sự điều chỉnh quy hoạch cục bộ thì các chủ đầu tư rất e ngại “Quy hoạch đẹp cần đi liền với giải tỏa đất đồng bộ. Khu Tây muốn đẹp như quận 7 thì nên có định hướng lâu dài, Nhà nước đứng ra giải tỏa đền bù đất đồng bộ, sau đó bán hoặc tổ chức đấu giá cho chủ đầu tư”
Các chuyên gia nhận định, vấn đề nổi cộm ở khu vực Tây - Nam là tình trạng mua bán đất bằng giấy viết tay. Nghị định 01/2017/NĐ-CP được thông qua, cho phép hợp thức hóa cấp sổ đỏ cho các giấy mua bán đất viết tay từ ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/07/2014 cũng là 1 thách thức cho các nhà đầu tư. Các chuyên gia không ủng hộ cho việc này.
Cũng theo các chuyên gia, khu vực Tây - Nam cần thêm các chính sách hỗ trợ, cải thiện cơ chế để thu hút các nhà đầu tư. Trong đó có việc phát triển các sản phẩm bất động sản vừa túi tiền và các loại hình bất động sản mới như office-tel để có thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhiều đối tượng khách hàng, nhất là nhóm khách hàng thu nhập thấp.
Tại khu vực phía Tây - Nam Tp.HCM, Tập đoàn Hoàng Quân đã có 2 công trình nhà ở xã hội là HQC Plaza (1.735 căn hộ) và HOF-HQC Hồ Học Lãm (718 căn hộ). Trong đó nhà ở xã hội HQC Plaza đã hoàn thành bàn giao và cư dân vào ở. Ngoài ra, công trình nhà ở xã hội phía Tây - Bắc HQC Hóc Môn do Tập đoàn Hoàng Quân làm chủ đầu tư hiện đang trong giai đoạn bàn giao. Trong thời gian tới, Tập đoàn Hoàng Quân dự kiến sẽ triển khai thêm 2 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Tp.HCM và luôn giữ vững hướng đi này trong suốt thời gian tới.
NGUỒN: TẬP ĐOÀN HOÀNG QUÂN