Thị trường xuất hiện những xu hướng mới
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là năm 2020 khép lại, đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản sẽ phải chạy nước rút về đích cũng như thay đổi để sẵn sàng cho giai đoạn mới.
Năm 2020, thị trường bất động sản phải chịu nhiều sức ép khi nguồn cung và lượng giao dịch đều có xu hướng giảm - nhất là ở các phân khúc đặc thù như: Bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng, bán lẻ,… Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là một năm khủng hoảng của thị trường bất động sản. Những khó khăn này sẽ là cơ hội để thị trường thay đổi và thích ứng, tạo tín hiệu lạc quan cho 2021 và những năm tiếp theo.
Về xu hướng bất động sản trong năm 2021, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.uecc.net nhìn nhận, chung cư được nhiều người tìm kiếm trong 3 năm gần đây và năm 2021, nhu cầu tìm kiếm sẽ tiếp tục gia tăng. Giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục đi ngang và ổn định, giá chung cư TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, mức tăng đạt khoảng 9%.
Về phân khúc nhà riêng, nhà mặt phố, mức độ quan tâm và giá cho thuê nhà riêng và nhà mặt phố sẽ giảm đáng kể. Giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2021, đạt khoảng 5%.
Cũng có góc nhìn lạc quan về thị trường bất động sản năm 2021, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho hay, nhu cầu về đầu tư của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn thiên về bất động sản. Tốc độ đô thị hóa mạnh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng sẽ thu hút lượng lớn vốn đầu tư vào phát triển bất động sản công nghiệp, từ đó phát sinh nhu cầu nhà ở.
Ông Quyết cho hay: “Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn phát triển, phân khúc này mới phát triển ở giai đoạn đầu. Thời gian qua, chúng ta mới chỉ nhìn bất động sản nghỉ dưỡng ở biển, mà chưa quan tâm đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở núi, ở ven đô, ở những tỉnh phía Bắc rất tiềm năng”, ông Quyết phân tích.
chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ có 6 xu hướng phát triển chính.
Thứ nhất, đó là sự dịch chuyển địa lý, do ách tắc phát triển dự án, nguồn cung tại Hà Nội và TP.HCM hạn chế, nên xu hướng dịch chuyển ra các vùng ven là rất rõ.
Thứ hai, chuyển dịch quan tâm tới phân khúc, đó là sự phát triển của bất động sản công nghiệp, còn nhà ở và du lịch sẽ phải mất thêm vài năm nữa để phục hồi.
Thứ ba, xu hướng tiện ích, thông minh, sắp tới sẽ hình thành các đại đô thị với nhiều tổ hợp gắn với tiện ích hiện đại sống xanh.
Thứ tư, xu hướng chuyển dịch hành vi của người tiêu dùng như dịch chuyển khu vực sống, tìm kiếm căn nhà thứ hai.
Thứ năm, xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp, nhưng gắn với sự dịch chuyển của lao động.
Thứ sáu, quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam mới đạt 36% - còn rất thấp, và mục tiêu của Chính phủ là trên 50%.
TS. Võ Trí Thành nhận định: “Những xu hướng trên sẽ tác động mạnh đến nhu cầu của khách hàng, của thị trường bất động sản và đây chính là dư địa lớn cho thị trường tiếp tục phát triển thời gian tới”.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, bất động sản là lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng, nếu nhìn vào nhu cầu nhà ở, nhu cầu bất động sản thương mại dịch vụ, nhu cầu về bất động sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh đều rất lớn. Lý do là vì Việt Nam được đánh giá là một đất nước có tiềm năng tăng trưởng tốt, mức thu nhập, đời sống người dân đặc biệt tầng lớp trung lưu mới nổi phát triển rất nhanh.
Bên cạnh đó là sự thay đổi về cách sống, lối sống tiện ích hơn, xanh hơn, an toàn hơn. Tất cả những điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản là rất lớn, ở tất cả các phân khúc. Chính vì vậy, cơ hội đầu tư kinh doanh dài hạn ở lĩnh vực bất động sản là rất tốt.
Hậu Covid-19 sẽ là một thời kỳ "bình thường mới" của thị trường bất động sản với nhiều xu hướng mới.
“Cuộc chơi” dài hạn cho nhà đầu tư lớn
Theo giới phân tích, những thay đổi mà đại dịch Covid-19 mang lại trong năm 2020 đòi hỏi các nhà đầu tư bất động sản phải tham gia một cuộc chơi dài hạn, họ nhìn về phía trước nhiều năm hơn là đưa ra các quyết định ngắn hạn. Đặc biệt, với những xu hướng đầu tư mới, phân khúc và sản phẩm mới sẽ cần những cân nhắc trước khi xuống tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, đầu tư ngắn hạn thì chắc chắn dù vào thị trường thời điểm nào cũng thiếu bền vững, dễ rủi ro, thất bại theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”.
Còn về trung và dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất, an toàn nhất và có dư địa lớn nhất. Về yếu tố sinh lời thông qua giá trị, thị trường bất động sản trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào mà bất động sản giảm giá. Ngược lại, bất động sản vẫn tăng đều, bình quân từ 5 - 7%.
Chia sẻ chi tiết hơn, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường - JLL Việt Nam cho hay: “Với bất động sản công nghiệp nói riêng, đây không phải là “cuộc chơi” cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong tương lai. Lý do là bởi doanh nghiệp muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp, ngoài yếu tố nguồn lực tài chính còn phải đi kèm nhiều yếu tố khác. Hơn nữa, đó là cuộc chơi dài hơi tới 30 - 50 năm, chứ không phải chỉ đầu tư 3 - 4 năm để rồi thu tiền. Do đó, nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng”.
Vị chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể hướng tới việc đầu tư xây dựng nhà ở, phòng trọ cho thuê hay các khu đô thị vệ tinh ở xung quanh các khu công nghiệp để bán nhà cho công nhân…
Một số ý kiến khác cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản sẽ sớm được phục hồi, trong đó bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ là điểm sáng, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, để bất động sản khu công nghiệp phát triển lớn mạnh, các nhà đầu tư cần tuyển dụng nguồn lao động có trình độ cao.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, để thu hút đối tượng này, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án khác như khu công nghiệp sinh thái khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp…
Theo Reatimes.vn