Cụ thể, năm 2020 Tây Ninh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nhất là hạ tầng giao thông, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao UBND TP HCM kêu gọi đầu tư dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài và đặt mục tiêu hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng năm 2025.
Theo kế hoạch, cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 3/2021, từ năm 2021 - 2025 tập trung triển khai dự án và khánh thành vào năm 2025.
Ngoài ra, Sở GTVT Tây Ninh còn bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu, Xa Mát vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam; đề xuất chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án đường Hồ Chí Minh; bảo trì, cải tạo Quốc lộ 22B thực hiện trong 3 năm (2018, 2019, 2020) với tổng kinh phí 255 tỷ đồng, dự án đầu tư 31 cầu dân sinh, đã nghiệm thu đưa vào khai thác được 28 cầu, 3 cầu còn lại sẽ khởi công vào đầu năm 2021.
Ông Hải báo cáo thêm, sẽ sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng cạn ICD Mộc Bài và ICD Thạnh Phước, hiện đã bổ sung quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
"Hai dự án đường thuỷ nội địa kéo dài sông Sài Gòn đến xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu có ý nghĩa chiến lược, với quy mô cấp vùng. Hiện các sở, ngành đang thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư để có thể sớm khởi công dự án trong năm 2021", ông Hải cho biết.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện các tuyến giao thông kết nối với TP HCM, tỉnh Bình Dương, Long An, Bình Phước như: cao tốc TP HCM - Mộc Bài và đường Xuyên Á; quy hoạch thêm 3 cầu vượt sông Sài Gòn để kết nối từ Tây Ninh đến Bình Dương; quy hoạch các tuyến giao thông kết nối và đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu giữa 2 tỉnh Long An và Tây Ninh và đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2 trên đường ĐT 794 kết nối Tây Ninh - Bình Phước.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, tỉnh thực hiện đầu tư 38 dự án, với tổng kế hoạch vốn đến nay là 5.116 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách địa phương là 3.517 tỷ đồng, các nguồn trung ương hỗ trợ là 1.599 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều dự án đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: Đường và cầu Bến Đình, cầu Bến Cây Ổi, đường tỉnh ĐT 788, đường ĐT 794 (Giai đoạn 1), đường Kà Tum - Tân Hà, đường ĐT781 từ ngã tư Tân Hưng - ngã ba Bờ Hồ đi ranh giới tỉnh Bình Dương... Đặc biệt, trên sông Vàm Cỏ Đông hiện có 6 cây cầu kết nối hai bờ, dự kiến tháng 6/2021 sẽ hoàn thành thêm cầu An Hòa - Trảng Bàng.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tài, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GTVT nhận định: hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, bởi có mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao sẽ là cơ sở để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội được xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Do đó, nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Tây Ninh cũng đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong năm 2021, tỉnh sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và TP HCM đẩy nhanh tiến độ dự án bảo trì, cải tạo Quốc lộ 22B đầu tư xây dựng khu phức hợp cảng Tổng hợp, Cảng cạn ICD, Trung tâm Logistics Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng... và đặc biệt, thúc đẩy dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài để đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025.
Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ phối hợp với Bộ GTVT quy hoạch tuyến đường sắt kết nối đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cửa khẩu Quốc tế Xa Mát vào quy hoạch ngành Quốc Gia.
Năm 2020, Tây Ninh đã tạo 1 số đột phá để phát triển giao thông như: chủ động phối hợp với Bộ GTVT, các bộ, ngành, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lập các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở đầu tư phát triển cũng như định hướng phát triển lâu dài trong thời gian tới.
Cụ thể: Quy hoạch các tuyến giao thông liên kết vùng đi qua địa bàn tỉnh, kết nối thuận lợi giữa Tây Ninh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chuyển cấp một số tuyến đường tỉnh đáp ứng các điều kiện theo luật giao thông đường bộ thành quốc lộ.
Khai thác lợi thế vận tải đường thủy sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, bổ sung các công trình cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, kết nối thuận lợi giữa hai bờ trong nội địa và giữa Tây Ninh với Bình Dương, Long An.
Các cụm cảng tổng hợp, cảng ICD, Trung tâm Logistics hành lang phía Bắc Tây Ninh (với các Cửa khẩu Tân Nam, Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum, Vạc Sa...).
Quy hoạch tuyến đường sắt Xuyên Á kết nối Campuchia qua Cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt, tuyến đường sắt đến cửa khẩu Quốc tế Xa Mát vào quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia.
Theo Báo NĐH