Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang khiến cuộc đua xây nhà ở xã hội tiếp tục "nóng" hơn với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn.
Giai đoạn 2021-2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Ảnh: Duy Hiệu.
Mới đây, CTCP Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HoSE: NVL) đã ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội với Tập đoàn Hoàng Quân (HoSE: HQC).
Theo đó, Novaland và "ông trùm" nhà ở xã hội Hoàng Quân sẽ đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất hiện có để hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM và các tỉnh, thành như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long...
Thực tế, thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, trong đó có những "ông lớn" vốn chỉ làm dự án cao cấp đã gia nhập cuộc đua xây nhà ở xã hội giá rẻ với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn.
Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như Vinhomes, Becamex IDC, Tổng công ty Viglacera, Tập đoàn APEC, Nam Long, TTC Land... Ngoài ra có một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)...
Chẳng hạn, Vinhomes của Tập đoàn Vingroup đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa, bổ sung hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương.
Đồng thời, tập đoàn này cũng đang tiếp tục thực hiện thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP.HCM...
Hay Tổng công ty Viglacera cũng đã bàn giao khoảng 5.000 căn hộ tại Hà Nội và đang triển khai ở 4 địa phương gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với quy mô hơn 10.000 căn. Hiện đã có sẵn khoảng 3.000 căn có thể đưa vào sử dụng với giá bán 8-10 triệu đồng/m2 và giá căn hộ 250-600 triệu đồng/căn.
Khu nhà ở xã hội HQC Plaza (Bình Chánh)
"Ông lớn" bất động sản khu công nghiệp Becamex cũng đã thực hiện trên 45.000 căn hộ vừa là nhà ở công nhân, vừa là nhà ở xã hội tại Bình Dương. Một căn hộ có diện tích 30 m2 bao gồm cả gác lửng, giá bán mỗi căn là 100-300 triệu đồng.
Trong năm 2024 tại tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này cũng sẽ ưu tiên khởi công 10.000 căn nhà ở xã hội.
Trong khi đó, Tập đoàn Phú Cường cũng cho biết sẽ khởi công thêm hàng nghìn căn hộ trong năm nay tại Bình Dương, Kiên Giang...
Mới đây nhất, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Hancorp công bố muốn làm gần 10.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa phương, tập trung ở Hà Nội, Hà Nam, Đồng Nai.
CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN) - thành viên nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng có kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội. Hồi tháng 12/2023, liên danh của Hưng Thịnh Incons đã đăng ký thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Cầu Rào 2 (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo CTCP Đầu tư Nam Long cũng cho biết công ty sẽ tham gia và cam kết đóng góp 20.000 sản phẩm nhà ở xã hội trong những dự án công ty triển khai.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá các doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án nhà ở xã hội.
Do đó, ông đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo sở xây dựng các địa phương thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án nhà ở xã hội đã có chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
"Về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị các địa phương bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định và triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư", ông Châu đề xuất.
Tương tự, tại tọa đàm gỡ vướng phát triển nhà xã hội hồi tháng 4, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cũng cho biết doanh nghiệp làm nhà ở xã hội gặp khó nhất là vấn đề quỹ đất. “Làm nhà ở xã hội phải phù hợp, chứ không thể ở Hà Nội nhưng làm ở Hoài Đức, Sóc Sơn”, ông Đường nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Đường, điều quan trọng nhất là phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở và công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.
"Trước đây doanh nghiệp làm dự án tại Hoàng Quốc Việt chỉ trong vòng 2 tháng ra được giấy phép nhưng hiện 2 năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư", ông nói thêm.
Trong năm 2024, nhiều địa phương và doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ xây dựng hàng loạt dự án với quy mô lên tới hàng nghìn căn nhà ở xã hội. Ảnh: Duy Hiệu
Đối với gói tín dụng 125.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2%, lãnh đạo HoREA cho rằng chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi bên cạnh phải chịu lãi suất khá cao 7,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm, người có nhu cầu còn ngại vay bởi các mức lãi suất này được điều chỉnh mỗi 6 tháng một lần và áp dụng lãi suất thỏa thuận sau thời hạn ưu đãi lãi suất.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói 125.000 tỷ đồng bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
"Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5%, thời hạn vay tối đa 25 năm để thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030", ông Châu đề xuất.
Chủ tịch HoREA cũng đề nghị tăng thêm lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư nhà ở xã hội lên 15%, thay vì 10% như trước để khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
THANH THƯƠNG - TẠP CHÍ TRI THỨC